ĐỀ CƯƠNG SINH HOẠT THEO CHỦ ĐIỂM QUÝ III NĂM 2024

Lượt xem:

Đọc bài viết

    ĐẢNG ỦY GIÁO DỤC LÝ SƠN                                                                         ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

CHI BỘ TRƯỜNG THCS AN HẢI

                           *         

                                                     Lý Sơn, ngày 15 tháng 10 năm 2024

 

ĐỀ CƯƠNG

SINH HOẠT THEO CHỦ ĐIỂM QUÝ III NĂM 2024

  “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cải cách nền hành chính quốc gia”; vận dụng, liên hệ kết quả thực hiện cải cách hành chính thời gian qua và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

A. PHẦN LÝ LUẬN

I. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và cải cách nền hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời, với tư duy và tầm nhìn luôn đi trước thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập tức quyết định nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng nền hành chính “chủ trọng thực tế và nỗ lực làm việc” nhằm mục tiêu thúc đẩy cả hệ thống chính trị nỗ lực bắt tay vào tái cấu trúc một nền hành chính Việt Nam hiện đại, hiệu quả và tận tụy phục vụ nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, với chủ trương của Đảng xem nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) là một trong những đột phá phát triển đất nước càng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức cần thực sự nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt những quan điểm. cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cải cách nền hành chính nhà nước trên cả ba phương diện sau đây:

  1. Xây dựng nền hành chính thống nhất giữa mục tiêu chính trị và mục tiêu hành chính

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, những quy định của Hiến pháp 1946 về tổ chức bộ máy nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, về cơ quan tư pháp đều chứa đựng sâu sắc bản chất của một nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân và vì dân. Hiến pháp 1946 khẳng định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đó là sự hiện thực hóa, pháp chế hóa chế độ dân chủ, cộng hoà. Nhà nước của dân và do dân nghĩa là nhân dân xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền nhà nước, coi chính quyền là ruột thịt của mình. Nhà nước vì dân nghĩa là nhà nước mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân.

Chế độ ấy đã tạo ra tiền đề và đòi hỏi một nền hành chính phù hợp với bản chất của nó, tổ chức hoạt động và bộ máy nhân sự khác về chất so với trước đây bởi nguyên lý hết sức hiển nhiên đó là bản chất của nền hành chính luôn luôn phụ thuộc vào bản chất của Nhà nước. Do vậy, nền hành chính nhà nước phải phù hợp với bản chất của nhà nước, của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, gắn bó với quần chúng nhân dân, phục vụ nhân dân và lấy lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc làm cơ bản.

  1. Xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về CCHC trước hết cần phải khẳng định và giữ vững tính chất nhà nước của dân, do dân, vì dân của nền hành chính pháp quyền nước ta. Nền hành chính gần dân, vì dân và có bổn phận “đem chính trị vào ở giữa dân gian”, là công cụ đắc lực cho một nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là nền hành chính kiên quyết chống lại những biểu hiện quan liêu, giấy tờ, cồng kềnh, xa dân và xa rời thực tiễn.

Để xây dựng một nền hành chính “vì dân phục vụ” như vậy, tất yếu mỗi người cán bộ, công chức cần phải hiểu rằng chức trách, phận sự của mình không có gì khác ngoài việc phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà làm. Muốn được như thế, Người luôn đặt ra yêu cầu phải không ngừng đổi mới và ngày càng tăng cường tính chất “Nhân dân” của bộ máy hành chính; xây dựng bộ máy của các cơ quan hành chính các cấp luôn sát dân, gọn nhẹ và hiệu quả; quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ hành chính có lòng trung thành, có đạo đức cách mạng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có kỹ năng hành chính tốt, ngày càng chính quy, hiện đại. Với tư tưởng đó, nền hành chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sự độc đáo, sáng tạo và mang tính dân chủ sâu sắc. Một nền hành chính mạnh mẽ, sáng suốt là nền tảng cho việc tổ chức nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, làm cho hiệu lực pháp luật được triển khai trong thực tế..

  1. Xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Với quan điểm bộ máy nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho nhân dân, ngoài đặc tính cách mạng, nhân văn và pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy hành chính nhà nước. Đối với Người, sự cồng kềnh của bộ máy công quyền nhiều khi là do cán bộ làm việc luộm thuộm, “thiếu óc tổ chức”. Vì thế, Người yêu cầu: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”. Đặc biệt, người lãnh đạo phải biết “dụng nhân như dụng mộc”, tức là biết loại bỏ cán bộ hư hỏng như người thợ lành nghề biết loại bỏ gỗ mục, biết đặt con người vào đúng sở trường, biết kết hợp các loại cán bộ để họ bổ trợ cho nhau. Khi người lãnh đạo biết đặt người lao động vào vị trí “đắc địa” và biết động viên họ tự giác làm việc thì bộ máy dù gọn nhẹ nhưng vẫn hoạt động hiệu quả.

Ngoài đặc tính “ít mà tốt”, tính hiệu quả của bộ máy hành chính còn thể hiện rõ trong khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, bộ phận chức năng sao cho vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý”. Với tư duy khoa học và lòng tôn trọng con người, tôn trọng công việc, mọi chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả luôn thống nhất ở chỗ “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”

II. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại

  1. Quan điểm của Đảng ta về cải cách nền hành chính quốc gia

Việc hình thành chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân là một quá trình tìm tòi, đổi mới tư duy, sáng tạo không ngừng trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước được khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) cho đến hiện nay.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với Nghị quyết chuyên đề số 27- NQ/TW ngày 09/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Đảng ta đã đề ra mục tiêu hết sức cụ thể trong lĩnh vực cải cách nền hành chính đó là: Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Tiếp tục cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, chất lượng dịch vụ công; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả.

  1. Những kết quả về cải cách hành chính nhà nước thời gian qua

Thể chế nền hành chính tiếp tục được cải cách, hoàn thiện, triển khai có hiệu quả trên thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch và được người dân đồng tình, đánh giá cao.

Tổ chức, bộ máy được chú trọng sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực; việc tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm lộ trình theo quy định; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cơ cấu lại, chuẩn hóa theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ được nâng cao; công tác tuyển dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được chú trọng thực hiện.

Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, cổng thông tin điện tử, thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành dùng chung đã triển khai đồng bộ, liên thông văn bản điện tử giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước trong tỉnh đã góp phần bảo đảm thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh.

  1. Những tồn tại hạn chế trong cải cách nền hành chính nhà nước

Cải cách hành chính là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phục vụ đời sống Nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tuy nhiên bên cạnh đó, dù đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt. Hệ thống pháp luật còn chồng chéo, phức tạp. Tính đồng bộ, cân đối, khả thi của hệ thống pháp luật tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật.

Thứ hai, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Số lượng các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhưng thời gian qua, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khiêm tốn.

Thứ ba, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của cả bộ máy hành chính nhà nước còn chậm. Bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện vẫn còn cồng kềnh, thiếu ổn định. Thực hiện tinh giản biên chế còn chậm. Phân cấp quản lý nhà nước chưa được thực hiện triệt để, nghiêm túc.

Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, còn yếu về năng lực chuyên môn và sử dụng công nghệ thông tin trong tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ công chức có vi phạm pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.

Thứ năm, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương phương vẫn chưa thực sự thống nhất, thông suốt. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng tùy tiện, thiếu quy định rõ ràng về quy trình giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính.

  1. Những nhiệm vụ, giải pháp lớn cơ bản trong xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh trong thời gian đến

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng nền hành chính nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Xây dựng nền hành chính nhà nước phải trên cơ sở giữ vững được bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ấy phải tôn trọng, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, chăm lo đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Pháp luật phải có tính nhân văn, hướng thiện, vì con người. Công tác xây dựng, cải cách nền hành chính phải gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đây là giải pháp mang tính tất yếu, khách để khắc phục những bất cập, hạn chế của nền hành chính. Từ đó, nâng cao tính chuyên môn và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức để việc cải cách hành chính hướng đến công khai, minh bạch và dân chủ ngày càng đạt hiệu quả quan cao hơn.

Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước đòi hỏi hết sức chú trọng công tác cải cách, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm một nền hành chính dân chủ, trong sạch, phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho nhân dân. Cần kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước, như quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, có lời nói, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, phải lấy hiệu quả công việc và sự hài lòng, sự tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá quan trọng đối với tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó cần thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức để trở thành những công chức chuyên nghiệp, thạo việc, công tâm và từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm nhằm bảo đảm chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền là chủ, làm chủ của nhân dân.

Xây dựng nền hành chính nhà nước phải hướng tới giữ vững chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa vì thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Chỉ có phát huy dân chủ mới giúp cho cán bộ đề ra nhiều sáng kiến và hăng hái hơn trong công tác. Hơn thế, việc phát huy dân chủ là để phát huy quyền là chủ và làm chủ của nhân dân theo luật định. Do đó, các mục tiêu, giải pháp xây dựng, cải cách và hoàn thiện nền hành chính phải vì lợi ích chính đáng của nhân dân và gắn bó chặt chẽ với quá trình đổi mới và yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ vững trật tự, kỷ cương, được bảo đảm bằng pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Xây dựng Luật về đạo đức công vụ và thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, ngày 9/5/2024 Đảng ta đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới theo đó đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng Luật về đạo đức công vụ. Đây là công cụ để điều chỉnh hành vi đạo đức cho cán bộ, công chức trong quá trình thực thi cổng vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính nhà nước hiện nay và từng bước tiến tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời, trong quá trình cải cách hành chính cần thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức; từng bước hiện đại hóa nền công vụ nước nhà, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong nền hành chính, xây dựng bộ máy hành chính thành bộ máy phục vụ, kiến tạo, của dân, do dân, vì dân.

B. VẬN DỤNG, LIÊN HỆ VỚI VIỆC THỰC HIỆN VÀ PHÁT HUY DÂN CHỦ TẠI CƠ QUAN, ĐƠN VỊ HIỆN NAY

(phần này các chi bộ tự liên hệ đối với cơ quan, đơn vị mình)

Căn cứ đặc điểm, tình hình của từng chi, đảng bộ, từng cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội, chi bộ nơi tổ chức sinh hoạt chủ điểm xác định những vấn đề của đơn vị mình về các lĩnh vực như :

– Về cải cách thể chế

 – Cải cách thủ tục hành chính

 – Cải cách tổ chức bộ máy

 – Cải cách chế độ công vụ

– Cải cách tài chính công

– Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

– Nâng cao chỉ số cải cách hành chính; chỉ số quản trị và hành chính công; chỉ số năng lực cạnh tranh

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số…

I,  Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện cải cách nền hành chính tại đơn vị Trường THCS An Hải.

1, Cải cách thể chế

  • Nhà trường thường xuyên xây dựng nâng cao chất lượng khi ban hành văn bản
  • Xây đựng và hoàn thiện các quy định đảm bảo, đồng bộ đầy đủ kịp thời, minh bạch đúng các văn bản quy định
  • Chỉ đạo CB,GV, NV nhất là nhân viên văn phòng, kế toán tự kiểm tra rà soát văn bản về nội dung thể thức theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020
  • Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi đánh giá thi hành pháp luật

2, Cải cách thủ tục hành chính

  • Nhà trường đã phổ biến, quán triệt các quy định về kiểm soát TTHC tới CB,GV,NV trong nhà trường
  • Thực hiện công khai đầy đủ rõ ràng
  • Thực hiện tốt các quy ước văn hóa tại cơ quan đơn vị, Báo cáo chuyên đề văn hóa ứng xử…
  • Số lược thủ tục hành chính đã giải quyết
  • Rút học bạ:….
  • Rút bằng tốt nghiệp
  • Đơn xin chuyển lớp
  • Học sinh chuyển đến
  • Học sinh chuyển đi

3, Cải cách tổ chức bộ máy

  • Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của nhà trường, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định
  • Tăng cường công tác kiểm tra, như tổ chức kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề trong lĩnh vực chuyên môn
  • Xây dựng kế hoạch vị trí việc làm cho CB,GV, NV nhà trường
  • Kiên toàn các bộ phận, tổ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ phân cộng nhiệm vụ cho CB,GV,NV đảm bảo theo vị trí việc làm ngay từ đầu năm học

4, Cải cách công vụ

  • Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của chính phủ quy định về tuyển dụng, quản lý viên chức
  • Đánh giá viên chức theo đúng yêu cầu của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020
  • Thực hiện Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của chính phủ về tuổi nghỉ hưu
  • Đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng

5, Cải cách hành chính công

  • Thực hiện tốt chính sách tiền lương
  • Quản lý chặt chẽ sử dụng có hiệu quả tài chính tài sản trong nhà trường

6, Xây dựng phát triển chính quyền điện tử.

6.1-  Kết quả thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành

– Thực hiện việc quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp hoạt động thông suốt trong việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông ioffe.quangngai; Việc tiếp nhận văn bản, chuyển văn bản của bộ phận văn thư đến lãnh đạo, lãnh đạo đến bộ phận xử lý luôn thực hiện thường xuyên, kịp thời;

– Lãnh đạo nhà trường thực hiện chữ ký số cá nhân, cơ quan trong xử lý văn bản trên môi trường mạng trong việc giử văn bản đi, đến các cơ quan, đơn vị. 100% giáo viên, nhân viên thực hiện ký số trên Kế hoạch dạy học, Kế hoạch bài dạy và một số Kế hoạch hoạt động khác.

– Hiện tại nhà trường đã sử dụng có hiệu quả các phần mềm để thực hiện chuyển đổi số như: phần mềm phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; taphuan.csdl.edu.vn; PMIS; CB,CC,VC; Mi sa; phần mềm quản lý tài sản; quản lý thư viện Website của trường…; Việc ứng dụng các phần mềm giúp nhà trường hoàn thành tốt công tác báo cáo, thống kê.

– Cử giáo viên trong tổ chuyển đổi số của UBND huyện, phòng Giáo dục tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hội nghị về chuyển đổi số.

– Triển khai thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, triển khai cho học sinh lớp 9 đăng kí tuyển sinh vào lớp 10 trực tuyến (Vận hành thử nghiệm).

– Đơn vị cũng như viên chức đã thực hiện tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt; tất cả CB, VC đều được cài đặt mã định danh mức 2, học sinh được cấp mã định danh.

– Thực hiện chấm điểm đánh giá công tác chuyển đổi số của Trường năm 2023,2024 theo yêu cầu của Phòng GD&ĐT Lý Sơn.

6.2-  Kết quả thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy và học

– Giáo viên và học sinh khai thác kho bài giảng E-Learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ http://E – learning.moet.edu.vn nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, được hướng dẫn, phổ biến cách sử dụng các phần mềm, các thiết bị mới tiện ích theo nhu cầu của mô hình giáo dục điện tử, trường học điện tử;

– Cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh thường xuyên truy cập trang thông tin điện tử http://truonghocketnoi.edu.vn để sinh hoạt chuyên môn, lấy những kiến thức bổ ích vận dụng trong quá trình dạy và học;

– Tất cả giáo viên đã ứng dụng CNTT hiệu quả trong giảng dạy: Giáo viên biết sử dụng phần mềm dạy học và soạn giáo án vi tính, bài giảng điện tử, biên soạn đề kiểm tra và phần mềm quản lý điểm https://smas.edu.vn/

– Nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến đảm bảo theo quy định, Giáo viên soạn bài giảng và đưa lên hệ thống LMS – https://thcsah.edu.vn/. Học sinh vào địa chỉ để học và đảm bảo trong năm học 2023-2024 đạt 4% bài dạy trực tuyến theo quy định.

– Thực hiện hồ sơ điện tử: Số hóa và ký số kế hoạch Giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên; Kế hoạch bài dạy; Sổ điểm điện tử; Học bạ điện tử và một số Kế hoạch báo cáo khác có liên quan đến công tác dạy và học và Đăng tải kế hoạch, giáo án giảng dạy lên hệ thống https://edoc.smas.edu.vn/

6.3-  Về bảo đảm an toàn thông tin

– Thực hiện cài phần mềm chống virus, chống mã độc do UBND huyện cung cấp.

– Hạ tầng internet tại đơn vị luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống mạng intemer ổn định đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý và thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, viên chức. Đồng thời đáp ứng hệ thống mạng cho giáo viên thực hiện công tác dạy học trực tuyến, tổ chức hội thảo, tập huấn,… trực tuyến.

Trên đây là kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2023 – 2024 của đơn vị nhà trường.

C. KẾT LUẬN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Từ những tư tưởng chỉ đạo của Người, nền hành chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng với dân tộc hoàn thành trách nhiệm lịch sử trong sự nghiệp lãnh đạo cả dân tộc kháng chiến, kiến quốc và xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người đặt nền móng cho việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Tư tưởng của Người mãi soi đường cho việc xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân./.

 

                                                                             Người báo cáo

                                                                              Dương Văn Nông